Phụ lục III nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định về danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng. Trong đó, nhà nghỉ cũng nằm trong danh mục những cơ sở này. Đồng thời nhà nghỉ cũng thuộc vào danh mục thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy được quy định tại phụ lục I của nghị định 79/2014/NĐ-CP và là cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (đối với nhà nghỉ có chiều cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5000 m3 trở lên).
Vì vậy, nhà nghỉ cần tuân thủ một số điều kiện PCCC sau khi đi vào hoạt động kinh doanh:
Đối với nhà nghỉ có chiều cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5000 m3 trở lên nhưng không quá 9 tầng hoặc 25m
Theo quy định tại khoản 1 điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP diện nhà nghỉ này cần có:
- Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của nhà nghỉ.
- Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong nhà nghỉ.
- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện kinh doanh nhà nghỉ.
- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy của nhà nghỉ, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của nhà nghỉ bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
Đối với nhà nghỉ có chiều cao dưới 5 tầng hoặc khối tích dưới 5000 m3
Được quy định tại khoản 2 điều 7 của nghị định: Bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của nhà nghỉ đó và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
Đối với nhà nghỉ có chiều cao trên 09 tầng hoặc từ 25 m trở lên
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này còn phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Kết cấu xây dựng của nhà phải có giới hạn chịu lửa phù hợp với tính chất sử dụng và chiều cao của nhà theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
- Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng công cộng tập trung đông người không được sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu dễ cháy.
Những điều cần lưu ý
Quy định là vậy, tuy nhiên, hiện nay ở một số khách sạn, nhà nghỉ và khu du lịch vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, trong đó nổi lên một số vấn đề sau:
- Một số khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch xây dựng không đảm yêu cầu về PCCC, không đảm bảo yêu cầu khoảng cách an toàn chống cháy lan, không có lối thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy.
- Hệ thống PCCC, đường cho xe chữa cháy tiếp cận khi xảy ra cháy tại một số các nhà nghỉ, khách sạn, khu du lịch còn nhiều thiếu sót bất cập.
- Nhiều khu du lịch khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng bằng các vật liệu dễ cháy; tranh, tre, nứa, lá. Nguồn nhiên liệu cung cấp chính cho các nhà hàng là khí gas.
- Hệ thống điện chiếu sáng sự cố, hướng dẫn lối thoát nạn không có.
- Nhiều Khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch có qui mô lớn, có giá trị nhiều tỷ đồng lại ở cách xa đơn vị PCCC, trong khi đó lực lượng phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa được đầu tư đúng mức.
- Một số người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, do đó chưa đầu tư đầy đủ đúng mức cho công tác này nhất là việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật để quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, điều kiện chống cháy lan, thoát nạn khi xảy ra cháy và tổ chức lực lượng PCCC cơ sở, hầu hết các vụ cháy ở khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch chủ yếu là lực lượng tại chỗ hoạt động kém hiệu quả. Còn không ít chủ cơ sở không quan tâm đến công tác PCCC, coi việc PCCC là của Công an hay của chính quyền địa phương.
Để tăng cường các biện pháp, giải pháp PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch trước hết cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành các tổ chức xã hội, đơn vị, cơ sở có liên quan đến công tác trong việc thực hiện các giải pháp PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch. Theo quy định của Luật PCCC, Nghị định số 79/2014/NĐ/CP của Chính phủ, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp chính quyền trực tiếp quản lý khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch. Để đảm bảo an toàn PCCC khách sạn, nhà nghỉ và khu du lịch chủ cơ sở tổ chức thực hiện triệt để các vấn đề sau:
- Thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật, quy định về PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch để khắc phục kịp thời, triệt để những sơ hở thiếu sót, nguy cơ cháy nêu trên.
- Đối với công trình xây dựng mới hoặc cải tạo khu du lịch, nhà nghỉ và khách sạn trước khi thi công phải trình thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC; lắp đặt cải tạo hệ thống PCCC, hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC, các hệ thống điện riêng biệt để chỉ dẫn lối thoát nạn, chiếu sáng sự cố, chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ các thiết bị PCCC.
- Các chủ cơ sở khi xây dựng, sửa chữa các nhà nghỉ, khách sạn, khu du lịch nên chọn các vật liệu không cháy. Còn nếu vì lý do nào khác mà sử dụng các vật liệu dễ cháy để xây dựng thì nên có biện pháp để tăng mức chịu lửa cho vật liệu đó như; sử dụng sơn chống cháy, hoá chất chống cháy….
- Hệ thống thoát nạn trong các nhà nghỉ, khu du lịch, khách sạn khi xảy ra cháy phải bố trí theo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước quy định, đặc biệt là đối với Khách sạn, nhà nghỉ cao tầng và có tầng hầm v.v….
- Ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội qui PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.
- Tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót gây cháy, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định nội qui PCCC tạo ra nguy cơ gây cháy.
- Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ quân số tổ chức thường trực chữa cháy trong ngày, nhất là vào ban đêm và các dịp lễ tết, lựa chọn những người có nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao để tham gia đội PCCC cơ sở. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng cơ sở để lực lượng này có đủ kiến thức năng lực thực hiện nhiệm vụ PCCC tại chỗ.
- Đầu tư kinh phí cho công tác PCCC để trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương tiện cứu hộ, thoát nạn khi xảy ra cháy, đặc biệt chú ý đến nguồn nước tại chỗ phục vụ chữa cháy cho khách sạn, nhà nghỉ và khu du lịch, duy trì các hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và các lực lượng PCCC khác.
- Các cơ sở phải xây dựng các phương án chữa cháy giả định nhiều tình huống có thể xảy ra cháy khác nhau và thường xuyên tổ chức thực tập để xử lý các tình huống nhằm chủ động bố trí lực lượng phương tiện và có chiến thuật thích hợp để nếu xảy ra cháy thì dập tắt tại chỗ, kịp thời, có hiệu quả.
Một biện pháp rất quan trọng nữa để giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra là lực lượng Cảnh sát PCCC theo chức năng quản lý Nhà nước về PCCC phải tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.
Bên cạnh đó, chủ cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch cần kiểm tra, đôn đốc cán bộ nhân viên chủ động thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa phương, giúp đỡ chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, lập quy hoạch phát triển, xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch nhằm giảm bớt sự quá tải về nhu cầu nghỉ ngơi của khách du lịch. Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp quản lý công tác PCCC đối với khách sạn nhà nghỉ, khu du lịch thuộc địa bàn quản lý của cấp Quận, cấp Phường để lập hồ sơ quản lý và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ PCCC đối với tất cả các khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch có nguy hiểm về cháy.
Không chỉ vậy, việc tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn PCCC vào các thời điểm dễ xảy ra cháy như mùa khô hanh, dịp lễ, tết phải đưa thành chuyên đề để đầu tư thích đáng cho cho công tác PCCC khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch. Xây dựng phương án chữa cháy, trong đó có dự kiến các tình huống phức tạp có sự huy động nhiều lực lượng trong việc chữa cháy và cứu người khi xảy ra cháy, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy lớn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.
Nguồn: Sưu tầm